Golf Việt Nam một năm nhìn lại: “Lượng” tăng mà “chất” chưa tăng
Trước thềm năm mới 2017,
cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh của làng golf Việt Nam một năm qua.
Mỗi góc nhìn khác nhau sẽ
đưa ra những đánh giá khác nhau vì thế người viết không có ý định tạo ra cuộc
tranh luận nào cho đề tài này ngoài mục đích đưa ra vài nhận xét mang quan điểm
cá nhân.
“HẠ TẦNG” TĂNG TRƯỞNG ẤN
TƯỢNG
Bất chấp “sưu cao thuế
nặng” của thuế tiêu thụ đặc biệt, sự mất cân đối về nguồn cung khách hàng
(golfer) giữa các thành phố lớn và tỉnh lẻ, hàng loạt các sân golf mới vẫn tiếp
tục ra đời trải dài khắp cả nước. Đặc biệt là các mô hình sân golf kết hợp nghỉ
dưỡng (stay & play) đã chủ động đón đầu một xu hướng tất yếu của thị trường
du lịch golf đang gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam.
Sân tập golf (driving
range) cũng tăng trưởng về số lượng đáng kể. Ở các thành phố lớn, bên cạnh các
sân tập được xây dựng trên những khu đất sử dụng ngắn hạn với giá chơi rẻ, đã
có thêm nhiều sân tập golf hiện đại, quy mô đầu tư dài hạn đi vào hoạt động.
Còn các tỉnh thành trên cả nước cũng đã xuất hiện nhiều sân tập golf ở quy mô
nhỏ. Khiêm tốn hơn nữa là mô hình phòng tập ở nhà riêng hay văn phòng cũng đang
nở rộ.
Song hành với sự phát
triển cơ sở vật chất, số lượng người chơi golf cũng đang tăng trưởng mạnh, đặc
biệt nguồn khách chơi là người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Nhiều người
chơi tennis, doanh nhân đã tìm thấy niềm vui, những lợi ích về sức khoẻ và các
quan hệ công việc thuận lợi hơn khi gia nhập môn Golf
Còn đối với các nhà cung
cấp thiết bị golf như gậy golf, trang phục, phụ kiện golf… cũng đã có được mức
tăng trưởng đáng khích lệ, mạnh mẽ hơn cả là khu vực bán hàng online, hàng xách
tay đang phát triển rầm rộ với mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh.
Năm 2016 cũng đánh dấu
bước ngoặt lớn về lĩnh vực đào tạo golf khi hàng loạt các học viện golf uy tín
trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam với mức đầu tư hàng triệu đô la. Họ đã
bắt đầu tuyển sinh ươm mầm từ những lứa tuổi rất nhỏ với giáo trình đào tạo bài
bản và chuyên nghiệp. Tiêu biểu phải kể đến học viện Jack Nicklaus, Ernie Els,
David Leadbeter…
Ngoài ra, không thể bỏ qua
mảng cung cấp dịch vụ golf cũng đang rạo rực tăng mức đầu tư. Bên cạnh những
dịch vụ truyền thống như booking, golf tour… xuất hiện các dịch vụ tổ chức giải
golf, sử dụng ô tô hạng sang đưa đón khách chơi golf, quay phim chụp ảnh trên
không (flycam) hay truyền hình trực tiếp online giải đấu quan trọng. Đây thực
sự là những nét rất mới của năm qua.
CHƯA CÓ CHUYỂN HOÁ VỀ
“CHẤT”
“Lượng” là vậy nhưng rất
tiếc chưa có sự thay đổi về “Chất”. Chúng ta chưa có những đột biến về chất
lượng cho hầu hết các kỳ vọng đặt ra. Xin được điểm lại một vài mục tiêu cụ thể
để minh chứng cho nhận xét này.
Ở góc độ golf đỉnh cao,
duy nhất chỉ có Trần Lê Duy Nhất đơn phương độc mã trong TOP 1000 trên bảng xếp
hạng thế giới, còn một vài gương mặt cũ như Nguyễn Thái Dương, Tăng Thị Nhung…
đã chọn con đường khác cho sự nghiệp của mình. Lứa kế cận tiềm năng đang thống
trị ở các giải Amateur Việt Nam như Trương Chí Quân, Nguyễn Thảo My… chưa hội
tụ đủ các yếu tố để quyết định chuyển sang chơi chuyên nghiệp. Vì thế, chắc sẽ
còn mất nhiều thời gian nữa Việt Nam mới thêm người chơi golf chuyên nghiệp đến
từ thế hệ trẻ như Đặng Quang Anh, Đoàn Uy (U10)…
Về công tác phát hiện, đào
tạo golf trẻ, các trung tâm lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh vốn là những nơi khả dĩ
nhất tìm kiếm và phát triển các tài năng nhỏ tuổi cũng đang lâm vào thế bí khi
thiếu kinh phí, thiếu cơ sở tập luyện, thiếu người thực thi… Nếu vẫn tiếp tục
tình trạng tự vận động bằng sức đầu tư của gia đình như trường hợp của Nguyễn
Thảo My, Đỗ Lê Gia Đạt… thì khả năng “đốt cháy” giai đoạn sẽ rất khó khăn.
Khu vực golf phong trào
cũng không có biến chuyển đáng kể. Tính thư giãn, giao lưu và trình diễn chưa
được đề cao. Rõ nét nhất có thể thấy ở các giải golf nghiệp dư, giải thưởng có
giá trị ngày càng cao và đó chính là lý do nhấn chìm tôn chỉ thể thao trung
thực của môn golf. Còn các nhà vô địch chủ yếu vẫn xoay quanh vài gương mặt
quen thuộc như Nguyễn Vân Anh (giải nữ), Lê Hùng Nam, Andrew Hùng Phạm (giải
nam)… mà ít thấy xuất hiện nhân tố mới.
Về phía các cơ quan lãnh
đạo, điều hành môn golf ở tầm quốc gia cũng đang lấn bấn và bước quá chậm ở rất
nhiều việc cần phải làm ngay, nên đã gây ra nhiều bất cập trong định hướng phát
triển các hoạt động cụ thể của môn golf. Ví dụ như việc xây dựng hệ thống
handicap index thống nhất trên toàn quốc, việc xác định tình trạng tư cách
nghiệp dư (Amateur status) của các golfer, hay việc chứng nhận cấp phép hành
nghề dạy golf…
Cuối cùng là nhóm truyền
thông, mặc dù số lượng các kênh truyền hình, báo chí đến các diễn đàn online…
ngày càng gia tăng, tuy nhiên, ngoài một vài kênh chất lượng như K+, Tạp chí
VGM, diễn đàn Golfer Việt Nam vv… còn lại phần lớn “chất” golf vẫn khá hạn chế
trong các nội dung chuyển tải hoặc chỉ dừng lại ở mức đưa ra chuyên mục kiểu
“đánh trống ghi tên” mà thôi.
KỲ VỌNG GÌ CHO NĂM 2017?
Sẽ không có nhiều biến
chuyển đáng kể từ bây giờ. Nếu có thể, chỉ chờ mong những bước đi sơ khai cho
một lộ trình dài hơi. Dẫn dắt toàn bộ “sự nghiệp” này không ai khác phải là
Hiệp hội Golf Việt Nam. VGA cần phải đưa ra những đánh giá xác thực để từ đó
nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của hiện tại và tương lai cho golf nước nhà.
Những báo cáo nhỏ hơn cho từng lĩnh vực phải có tính định lượng cao để mọi
người liên quan nhìn vào đó mà tìm ra cách thức giải quyết bài toán riêng của
mình. Phải xây dựng được đề án phát triển golf phong trào, golf trẻ thông qua
các công việc cụ thể như tổ chức tốt hệ thống các giải golf hoặc liên kết chặt
chẽ với các học viện golf, sân golf để có hỗ trợ thích đáng đối với các tài
năng trẻ.
Nhiệm vụ tìm ra một nhà
tài trợ đủ lớn đồng hành với golf Việt Nam trong một thời gian dài cũng rất cần
thiết. Chỉ khi có nguồn lực tài chính thì các mong muốn mới có thể thực thi. Xu
hướng đưa golf vào trường học cũng đã có dấu hiệu tích cực khi đại học Đông Đô
chọn golf là môn giáo dục thể chất cho sinh viên từ năm 2016. Đây cũng là gợi ý
tốt để kêu gọi phát triển golf trong trường học nhằm tìm kiếm các gương mặt
triển vọng như nhiều môn thể thao khác đã làm.
Sóng sánh trong ly rượu
mừng năm mới, hà cớ gì phải tiết kiệm những ước mơ? Việc không làm được có thể
chỉ là chưa làm mà thôi. Nên nhìn lại một năm đã qua để thấy trọng trách của
tương lai nhiều hơn. Chợt nhớ về câu nói bất hủ của huyền thoại Ben Hogan: “Cú
đánh quan trọng nhất chính là cú đánh tiếp theo”.
Tác giả: Tạ Anh Chiến
Website: http://kenhgolfchanel.ga/
Nhận xét
Đăng nhận xét