GOLF- MATÚY “XANH”
Đó là thuật ngữ mà lần đầu tiên tôi được nghe dân nghiền nói về
thú chơi golf. Bắt đầu từ câu nói cửa miệng của cậu em Đỗ Khôi Nguyên – Đại
diện Hàng không“hay không thể tả được” mỗi khi kể về golf, tôi đã đề nghị
Nguyên, biệt hiệu Nguyên “Còi” cho tôi đi cùng để được nhìn thấy sân golf và
các golfer – những kẻ nghiền cái thứ ma túy “xanh” này. Nguyên thực ra cũng mới
chỉ tập tọng học nghề theo thầy được dăm bảy buổi, nhưng do có sẵn năng khiếu
“ham chơi” trời cho nên đã có thể tham gia ngay vào trận chiến lần này của Câu
lạc bộ cho đến nay là duy nhất trên đất Cộng hòa Séc vào cái ngày thứ 7 mồng 9
tháng Sáu đẹp trời này.
Trên đường đến sân golf, Nguyên tranh thủ “bổ túc” cho tôi về
golf. Nguyên nói rằng, GOLF,theo một cách giải thích mà
Nguyên đã được đọc từ lâu lắm rồi, có nghĩa là:
G: Green – thảm cỏ xanh;
O: Oxygen – không khí trong lành;
L: Light – ánh sáng mặt trời;
F: Friend – bạn hữu.
Quá đúng! Nguyên còn cho biết giải lần này được tổ chức theo sáng
kiến của Ngô Thế Hào và Phạm Trường, những golfer hàng đầu trong cộng đồng
người Việt, đồng chủ quán Hole in one ở Hotivar nhân dịp một năm khai trương
nhà hàng đang đông khách này.
– “Con may mắn hơn bố rồi, 50 tuổi bố mới biết đến sân golf lần
đầu mà con mới hai tuổi đã được đến sân golf chơi rồi!”, bố Đỗ Ngọc Sơn – giám
đốc công ty MISDA đã hài hước nói với con như vậy khi đặt chân đến sân golf 18
lỗ Konopiste, cách Praha 50 km. –“Đây là một trong những sân golf đẹp nhất, chỉ
sau sân Karlovy Vary, và là một trong 69 sân golf hiện nay của Séc” – anh Ngô
Thế Hào – Tổng Thư ký của CLB golf giải thích – “Bọn em sẽ cố gắng chơi hết các
sân trên đất Séc!”.Đưa cho tôi lọ kem xoa chống nắng, Hào xoay người định đi
“để em lấy cho các chị cái ô, hôm nay trời sẽ nắng to đấy!”, tôi chỉ vào hai
cái bắp chân nâu bóng của Hào -“Không, chị đang muốn nhuộm được cái nước da
“tươi màu suy nghĩ” như của em!”. Một anh dáng to cao, tóc điểm bạc nhìn tôi
cười thân thiện, tôi chợt thấy rất quen “Hình như tôi đã gặp anh ở đâu rồi?” –
“Tachov, giải bóng đá Cộng đồng 2005, chị quên rồi à? Ngài Đại sứ khỏe không
chị?”. Rồi, tôi nhớ ra rồi, anh Quách Văn Kính, “công dân Tachov xịn, hơn 20
năm không có địa chỉ nào khác ngoài Tachov”, tôi đã viết một bài báo có đọan
nói về anh như vậy. Anh nói tiếng Séc rất tốt và có mối quan hệ tốt với chính
quyền thành phố. Anh đã là người phiên dịch cho Ngài Đại sứ trong buổi thăm và
làm việc với ngài Thị trưởng thành phố Tachov và chúng tôi đã được nghe những
nhận xét đầy thiện cảm của chính quyền thành phố về anh và về cộng đồng người
Việt tại đây. – “Anh cũng về tận đây tham gia giải?”, tôi ngạc nhiên; – “Còn
nhiều nơi khác nữa chứ chị, Hào nói thêm, hai anh em ruột dòng họ Đào Quang là
Tuynh và Oai, em ruột anh Đào Quang Trịnh, Lãnh sự Danh dự đại sứ quán Séc tại
Hải Phòng thì chắc chị biết, họ từ Brno về đây, anh Khoa Mèo, anh Nhật Còm từ
Kar. thì chị cũng đã quen. Anh Khải, từ Hradec Kralove, nơi có sân golf được
bầu chọn có một đường chơi đẹp nhất năm 2005”, và Hào đưa mắt tìm. Theo ánh mắt
Hào, tôi nhận ra hai bố con nhà anh Đỗ Ngọc Hồi – PANDA – ông chủ của chuỗi nhà
hàng ăn nhanh thương hiệu Panda nổi tiếng nhiều năm nay và cũng đã nhiều năm
tham gia tích cực cho các họat động đối ngoại của Đại sứ quán, cô con gái đầu
Thùy Linh cũng bám theo bố từ những ngày đầu luyện tập và giờ là một trong ba
golfer nữ tham gia giải lần này.–“Con gái bố Hồi chắc chắn sẽ dành danh hiệu
golfer trẻ nhất!” Tôi đùa. Nhí Thùy Linh dáng rất chuẩn, cao tới 1mét 70 năm nay
mới tròn 14 tuổi. Golfer nữ thứ hai – tên Liễu – đúng là dáng Liễu, gầy mảnh
mai – lại chính là Phu nhân của Tổng Thư ký lâm thời Hào. Golfer nữ thứ ba lại
là Nguyễn Kim Thoa – vợ anh Hùng “Phập”. – Mà sao Trần Quang Hùng lại không
xuất hiện ở đây nhỉ, hay nhân vật này chỉ say văn hóa văn nghệ mà không hứng
thú gì với các món thể thao? – “Không chị ơi, Hùng Phập cũng thuộc hàng topten
đấy, nhưng cũng như một số golfer-doanh nhân khác, không thể bỏ công việc để
tham gia vào ngày thứ 7”, Nguyên giải thích.
– “Phục vụ vợ con mệt rồi sao phải ngồi xe?”. Tôi quay lại; Trương
Thanh Tùng – ông chủ HKH. Tùng đang điều khiển xe điện rù rù đi tới, trên xe là
đồ ăn nhẹ, nước uống. Quả là một thứ ma túy! Bỏ cả vợ dại con thơ 2 tháng tuổi
để rong ruổi trên sân chỉ để chơi, hay thật! Mà không chỉ là chơi, còn là tiền,
tiêu tiền.– “Để có được cái giấy chứng nhận chơi golf – giống như giấy phép lái
xe – phải học tối thiểu khoảng 10 tiết, mỗi tiết chi phí khoảng 1000-1500
cu-run, bộ đồ chơi golf ngốn 5-7 ngàn đô từ ngân sách gia đình, chưa kể tiền
vào sân, tiền thuê xe mỗi lần chơi…”. Chỉ vào cái xe chở bộ đồ chơi golf có gắn
động cơ điện chạy rè rè của Đào Quang Oai đang đi bên cạnh, tôi hỏi: “Loại xe
này của em có giá bao nhiêu?” – “Một trăm bảy mươi ngàn chị ạ!” – “Kuron? Gần
6.000 euro?”. Tôi cố ghìm sự ngạc nhiên. – “Thẻ chơi golf ở Việt Nam còn đắt
hơn vì dân nghiền thì nhiều mà số sân thì quá ít, đếm trên đầu ngón tay, có giá
từ 20-40 ngàn đô tùy theo chất lượng sân, chưa kể tiền vào sân, tiền bo cho
caddy”. Ôi chao, cái giá của sự say mê, cái giá của sự “nghiền”. Chậc, nhưng mà
là niềm vui, là sức khỏe. “Sức khỏe là con số 1, tiền bạc, danh vọng, địa vị,…
là các con số 0 đứng sau, nếu không có số 1, các số 0 đều là vô nghĩa”. Vâng,
các “tuyên ngôn” trên đều tuyệt vời đúng, ai dám cãi!
Tôi chưa rành luật chơi của golf. “Cực kỳ phức tạp”, Hào nói, “Bọn
em vẫn cãi nhau suốt, và thỉnh thoảng vẫn phải gặp chuyên gia để xin được tư
vấn, phân giải”. Một không gian rộng nhiều hécta, thoáng, với những hồ nước,
những lùm cây hay những thảm cỏ xanh được chăm sóc kỹ lưỡng, xen kẽ là những
lối đi nhỏ lượn ngoằn ngoèo dành cho xe chạy bằng điện trông thật đẹp mắt. “Xe
nhỏ mà tiền không nhỏ”, tôi thoáng nghĩ khi thấy giám đốc Đỗ Sơn bỏ ra 1100
kuron thuê một xe cho một ngày. Cậu con trai hai tuổi của Mến-Sơn đã khóc dai
đến khó chịu khi cứ đòi tự lái cái xe nhỏ rất tiện dụng này. Tôi lang thang
theo một nhóm – gọi là một fly -gồm 4 thành viên: Hào Tổng, Hào Con, Oai Brno
và Bình Kính – đương kim Chủ tịch lâm thời CLB golf – trong topten của 20
golfer dự thi ngày hôm đó. Lần đầu tiên tôi có khái niệm về cú par, cú chip, độ
khó của sân, thế nào là chơi tốt, chơi chưa tốt,….Vừa chơi, các tay golf vừa
tận tình chỉ dẫn cho tôi nghe, tôi nghe say mê, và tưởng tượng một ngày kia tôi
cũng sẽ cầm cây gậy như Bình Kính đang cầm, hai chân đứng rộng bằng khoảng cách
hai vai, dáng hơi khom, vai hơi nghiêng, tạo “dáng đứng Bến Tre”, sụyt – cấm ho
cấm nói, và …píc, quả golf bay tít lên không trung, rơi xuống bên kia đồi, và…
đôi khi mất hút – cộng thêm 2 gậy cho một quả bóng mất – Hào Con đã ngậm ngùi
chịu trận như vậy ngay từ lỗ golf thứ hai khi một quả bay chéo vào lùm cây. Hào
Tổng xuất sắc hơn cả – âm một gậy ở lỗ golf này. Bình
Kính vốn cẩn trọng, càng về sau quả golf bay càng đẹp. Không mệt mỏi, quên ăn,
quên khát, tôi đã theo họ đến lỗ golf thứ 5 hay 6 gì đó, và chỉ khi ánh mặt
trời chói chang hắt chéo vào mặt, tôi mới nhận ra là đã muộn. Phải về thôi. Tối
nay còn kịp đi dự “Đêm Việt Nam” tại Thư Viện thành phố nhân tháng văn hóa “Các
sắc màu châu Á”.
Tạm biệt các cầu thủ sân golf, tôi nhận ra ma túy “xanh” hấp dẫn
đến thế nào. Và tôi chia sẻ với Đỗ Ngọc Hồi mỗi khi gọi điện hỏi thăm Hà: “Hai
bố con dắt nhau đi từ sáng rồi, cứ như bị ma ám ấy chị ạ!”. Chúc cho giải thi
đấu thành công rực rỡ! Chúc cho các golfer nhiều niềm vui, nhiều sức khỏe và
ngày càng có thêm nhiều nhiều kẻ tìm đến với ma túy “xanh” mà tránh xa các thứ
ma túy khác!
. “Sau khi kết thúc giải, tất cả các golfer đã tập trung
liên hoan tai nhà hàng Hole in one trong một không gian đậm màu sắc của golf
với cách bài trí mang tinh thần ông chủ – gợi nhớ sự phát triển của môn thể
thao này trong thế kỷ trước. Tại “ngôi đền” Hole in one, anh Giang Thành, một
tín đồ của tôn giáo golf, một golfer có hạng đồng thời là thành viên thường
trực của Ban tổ chức đã đứng ra trao giải cho các tay golf đến từ khắp nơi trên
đất Séc. Cuộc vui đã kết thúc với hẹn ước gặp lại nhau vào thứ 7 tuần sau tại
Hradec Kralove trong chương trình dài hơi “Mỗi tuần một sân golf” để khám phá
đất nước Séc kiều diễm và bí ẩn”.
Nguồn: http://golfchannel.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét